Đại tá Lê Trọng Nghĩa
nguyên Uỷ viên UBKN Hà Nội
Nhân kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9, ông Nghĩa có mặt trong buổi họp mặt truyền thống của anh chị em Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội với báo giới. Khi ra về với cảm xúc của mình, ông đã ghi lại những kỷ niệm của những ngày này 63 năm trước.
Chính quyền cách mạng những ngày đầu
Ngày 19/8/1945, ngay sau khi quần chúng vũ trang chiếm được Phủ Khâm sai và ta đàm phán thành công với nhà chức trách Nhật thì Ủy ban Nhân dân cách mạng (UBNDCM) Bắc bộ và UBNDCM Hà Nội được thành lập.
Sáng 20/8, trên nóc Dinh Khâm sai cũ phấp phới tung bay lá cờ đỏ sao vàng. Tại vườn hoa Con Cóc trước Dinh, UBNDCM Bắc bộ do Nguyễn Khang là Chủ tịch chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Điều này công khai khẳng định quyền làm chủ thiêng liêng của nhân dân Hà Nội và cả nước với chính quyền mới giành được về tay. Sự ra đời của UBNDCM ở Hà Nội là một sự kiện lịch sử quan trọng, một cái mốc đánh dấu bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển và đổi đời của Hà Nội. Lập được chính quyền do dân làm chủ vừa là đỉnh điểm thắng lợi của cuộc khởi nghĩa anh dũng, táo bạo của dân Hà thành, vừa là thành công cụ thể đầu tiên ngay tại trung tâm hành chính của cả nước, giữa lúc cao trào đánh Nhật cứu nước đang bùng lên rộng khắp. Có thể nói sự ra đời của UBNDCM các cấp có ý nghĩa trọng đại và tác động to lớn đến toàn cục.
Từ đây “giữ vững, xây dựng và bảo vệ chính quyền mới” đã trở thành nhiệm vụ số 1 hàng đầu của nhân dân Hà thành. Việc chính quyền và nhân dân Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy, từ ngày 19/8 đến ngày 2/9, đã đẩy nhanh cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước, đồng thời chuẩn bị chu đáo đón Trung ương về, tiến tới thành lập chính quyền Trung ương của cả nước vào ngày 2/9. Đây thực sự là một kì tích, một cống hiến của nhân dân Hà Nội cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Hà Nội, Hà Đông sục sôi cách mạng
Trong những ngày sôi động ấy ở Hà Nội hoàn toàn không có tắm máu như nhiều cuộc cách mạng, lực lượng Bảo an binh, cảnh sát chế độ cũ được giải thể. Mọi việc xây dựng và bảo vệ chính quyền mới thực sự chỉ dựa vào người dân, vào thanh niên xung phong và tự vệ khu phố, công sở… Từ việc truy lùng Việt gian cho đến việc cấp bách như cứu đói, hộ đê… đều được tưng bừng tiến hành, cứ như khởi đầu cho một chế độ tự quản. Vụ thanh niên tự vệ nổ súng và bắt một số cảnh sát cưỡi ngựa xuất hiện một cách khả nghi ở Bờ Hồ sáng 21/8 là một biểu hiện điển hình.
Riêng thị xã Hà Đông - cửa ngõ Thủ đô về phía tây - trong ngày 20/8 đã nổ ra vụ chống đối vũ trang nghiêm trọng. Quần chúng nổi dậy hưởng ứng với Hà Nội, biểu tình định chiếm Trại Bảo an binh đã bị binh lính do Quản Dưỡng chỉ huy nổ súng, làm chết, bị thương và bắt đi một số quần chúng. Rồi chúng chiếm giữ thị xã từ mạn cầu Đơ trở vào.
Tại Hà Đông lúc đó cũng như Hà Nội chưa hề có lực lượng vũ trang có tổ chức mà chỉ có tự vệ. Ngày 21/8, anh Nguyễn Khang giao cho tôi và anh Mai Nhân[1] (đội trưởng tự vệ) đi cùng ông Hồ Đắc Điềm (nguyên Tổng đốc Hà Đông đã bỏ về với gia đình ở Hà Nội) dùng xe con đi thẳng tới cầu Đơ, thương thuyết với Quản Dưỡng. Khi dừng xe ở đầu cầu phía Hà Nội, tôi cùng một đồng chí tự vệ không mang theo súng vào tận nơi đồn trú của Quản Dưỡng. Sau đó là cuộc thuyết phục gay gắt xen lẫn những hành động rung doạ; cuối cùng thì Quản Duỡng phải chấp nhận thả ngay những người bị bắt, trả lại vũ khí và cả bọn quy phục về với UBNDCM Hà Đông do anh Đặng Kim Giang là Chủ tịch.
Tới sẩm tối ngày 21/8, ta đã giải toả thị xã Hà Đông, kết thúc cuộc chống đối vũ trang duy nhất và nguy hiểm nhất một cách hòa bình, ngay tại cửa ngõ Thủ đô, sát cạnh Vạn Phúc - ATK của Trung ương và Xứ uỷ, nơi mà chiều tối 17/8/1945 Thường vụ Xứ uỷ phát lệnh cho Hà Nội khởi nghĩa.
Chiều hôm đó, chúng tôi lên xe ra về trong niềm hân hoan xen lẫn tự hào. Trên đường về có tin đồn binh lính Pháp đang từ Hoà Bình kéo về. Vậy là việc giải quyết ổn thoả tình hình ở Hà Đông đã tạo một rào chắn phía tây cho Hà Nội. (Sau này mới có tin chính xác: đó là toán tù binh cao cấp Pháp (gồm Phó toàn quyền Gauthier, chánh mật thám cùng một số tướng tá) bị quân Nhật giam ở Xuân Mai được “bí mật” chuyển về Hà Nội). Suốt dọc đường khi thấy xe cắm cờ đỏ sao vàng đi qua là anh em thanh niên tự vệ xung phong hoan hô nồng nhiệt. Cạnh gò Đống Đa, anh em vẫn đang tấp nập khiêng vác bàn ghế, đồ đạc ra dựng những chướng ngại vật đầu tiên của Hà Nội. Thắng lợi này ở Hà Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Hà Nội; đồng thời uy tín và thanh thế của “chính quyền Việt Minh Hà Nội” được nâng cao và lan toả hơn bao giờ hết.
Xe Việt Minh cẩn trọng đưa ông Hồ Đắc Điềm về tận nhà riêng bên bờ hồ Ha-le. Chia tay ông, khi còn lại trên xe về Bắc bộ Phủ, tôi cảm thấy chỉ trong có mấy ngày mà mình lớn hẳn lên, nhất là bản thân cảm nhận sâu sắc được sức mạnh thần kì của chính sách Đại đoàn kết vĩ đại của Mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ.
Ngày 21/8 có tin “Phái bộ Đồng minh” và quân Pháp đã tới Gia Lâm. Ở Hà Nội, Nhật dàn quân bao vây trụ sở UBNDCM, ép “Việt Minh Hà Nội” phải cử người đi cùng lên Thái Nguyên giái quyết xung đột đang diễn ra. Tình thế bức bách. UBNDCM không chấp nhận đi cùng quân Nhật, mà cũng không rút khỏi Hà Nội như kế hoạch dự phòng khi có nguy cơ bị đe dọa. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn ngạo nghễ tung bay trên nóc trụ sở ngay trung tâm thành phố khẳng định chủ quyền độc lập của chính quyền nhân dân trong tình thế đầy bất trắc, nguy hiểm. Sự việc này khiến cho các sĩ quan đội đặc nhiệm tình báo của Đồng minh ngay khi mới đặt chân tới, ngày 22/8, phải ngạc nhiên thán phục và khẳng định “Việt Minh đã nắm chính quyền ở Hà Nội”.
Phấn khởi trước thắng lợi mới nhưng cũng ý thức được rằng ATK của Xứ uỷ ở làng Vạn Phúc, Hà Đông sẽ là khu căn cứ chủ yếu hỗ trợ cho chính quyền Hà Nội trụ lại ở nội thành; trong trường hợp bất trắc nếu buộc phải rút lui thì căn cứ này sẽ trở thành trung tâm tập hợp lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích chờ lực lượng vũ trang của Trung ương về tiếp cứu.
Ngày 24/8/1945, ông Ké Hồ lần đầu tiên đặt chân lên đất Thăng Long cổ kính, tại địa điểm Phú Thượng, Chèm – ATK của Xứ uỷ, để ngày 2/9/1945 chính thức tuyên bố nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – ra đời!
Vĩ thanh
Tự hào thay nhân dân Hà Nội đã hy sinh hết mình, không chỉ anh dũng cướp chính quyền mà còn oanh liệt vượt mọi thách thức qua 12 ngày đêm đầy sóng gió để giữ vững, xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân đầu tiên của đất nước, phục vụ xứng đáng cho sự nghiệp dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà! Cùng với Hà Nội, Hà Tây cũng gắn bó nghĩa tình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô đầu tiên của Tổ quốc Việt
Vinh quang và tự hào cho dân tộc Việt
Đoàn kết mãi mãi là nguồn sức mạnh vô giá, vô địch!
Tôi ko piết mọi người nghĩ thế nào?Nhưng đối với tôi,bác LTN là một con người tài hoa, có một kiến thức vô cùng rộng...Một con người nếu nói theo sự hiểu biết của riêng tôi,là một người rất đáng để khâm phục...Chỉ tiếc rằng sự sai lầm của một nền chính trị...đã cho thấy một kết cục vô cùng buồn.Điều này làm cho tuổi 16-17 của tôi biết bao câu hỏi mà ko thể nào giải nghĩa đc.Nhưng đến bây giờ thì thì khỏi phải suy tư nữa,đã quá hiểu...!
Trả lờiXóaVậy mà cụ Nghĩa, và nhất là bà Thảo (mới mất cách nay gần 1 năm), vẫn bình thản trước cuộc đời dù ngang trái rơi vào trúng mình.
Trả lờiXóaTôi có dịp tiếp cận và trở thành thân cậy với cụ, được chấp bút nhiều tư liệu quý của cụ. Nay cụ sống với Trọng Huấn ở HN, vẫn rất tâm huyết ghi lại những gì cần cho lịch sử. Cụ vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc.
KQ