Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2008

THỢ SĂN GẶP BÀ ĐẺ

( Nhân chuyện thợ săn của EGK9, tôi xin kể một câu chuyện thật nữa, xảy ra cách đây 34 năm)

Tháng 10/1974 đơn vị tôi đang quần nhau với tụi tiểu đoàn 2 lữ 259 thủy quân lục chiến ( tiểu đoàn trâu điên) ở thượng Ô Lâu, thì tôi bị gọi về ,nhận nhiệm vụ mới. Lên đến trung đoàn mới biết mình được đi học pháo, biết thế! Nếu là pháo vác vai như ĐK82 hay cối 82 thì tôi đâu có lạ, trung đoàn tôi có cả cối 120, H12, ĐKB cần gì phải học ở đâu. Ra quân khu học, chắc ít nhất cũng là pháo bánh xe. Cánh lính bộ binh chúng tôi chỉ có ước mơ nhỏ là được hành quân bằng cơ giới. Hàng ngày vẫn hát “ đá mòn mà đôi gót không mòn” rồi là “ chân đồng vai sắt “ nhưng tâm tư ai cũng ngại hành quân bộ, chẳng qua vì nhiệm vụ phải làm thôi. Tôi rất vui, vì có thể từ nay tôi cứ hát những khúc hát quân hành, còn mình trên đường ra trận “hoành tráng” hơn nhiều. Tôi sẽ đội mũ sắt, ngồi trên xe vẫy cánh bộ binh đang cặm cụi hành quân ven đường…

Ra đến Thanh Hà, Gio Linh thì mới biết mình học pháo mặt đất 57 ly nòng dài. Tôi buồn quá, các bạn có biết, ở mỗi đại đội bộ binh lúc bấy giờ bao giờ cũng có 2 khẩu cối 60 ly, cỡ nòng so với lính bộ binh còn thua thì pháo phót gì. Tôi nhìn khẩu pháo, người “bạn” cùng những trận đánh sắp tới của tôi mà chẳng biết nói sao. Nòng bé tẹo, chỉ được cái dài (4m), hai bánh xe như hai bánh xe bò, tôi nhớ ra là đã từng gặp nó trong các bộ phim xô viết thời chiến tranh vệ quốc. Quả đúng, nó là hung thần của các xe tăng Đức ngày đó đấy. Càng buồn hơn khi mấy hôm sau, tôi nhận các tân binh về tiểu đội thì nhà bên cũng xuất hiện một trung đội nữ du kích cùng tham gia lớp học với chúng tôi. Cứ nghĩ mấy thằng cùng nhập ngũ nó sang Quân đoàn 2 mà thèm, vẫn tự an ủi, thôi mình cỡ lính quân khu, lính tỉnh cũng oách chán. Không biết học xong lại xuống lính huyện, lính xã thì chán chết. Tạm cất cái chuyện này đi đã, tôi vào ngay cái chuyện “săn bắn” không anh em lại cho thằng này lan man.

Cái trung đội nữ du kích Do Linh cùng học một khóa, hàng ngày chúng tôi cùng ngồi một “giảng đường” nên không khí học cũng say sưa hơn. Chiều chiều sau giờ cơm, lính nhà ta cùng vài o bên nớ cũng thơ thẩn chuyện mây gió…Tiểu đội tôi có thằng Huấn tiểu đội phó, hắn nhập ngũ cùng tháng, quê Hải Dương. Tôi quí hắn vì trông hắn thư sinh, da trắng, tóc quăn, đẹp trai và có duyên lắm. Hắn cũng quí tôi vì cũng cao ráo, "mác" trai Hà Nội lại thoáng. Phải cái nó rất “máu”, suốt ngày sang chuyện trò với du kích. Mỗi lần hội ý tiểu đội ,tôi cứ phải sang gọi, lâu dần tôi mắc chứng nghiện sang “gọi” . Thế có chết không, trưởng phó đồng tình..

Khi khóa học kết thúc thì hắn thân thiết lắm với một o tên B, còn tôi thân với o T. Ngày chia tay , lính hai bên lưu luyến lắm. Sau bữa liên hoan bế giảng, hai bên tràn sang nhau ghi lưu bút, tặng này tặng nọ.v.v Với ai không biết ,nhưng tôi với T dù đã khá thân nhau ,chúng tôi vẫn như có khoảng cách. Đến hôm nay ,khi chia tay chúng tôi hình như cùng thấy mối tiếc lắm lắm. Ngày mai chúng tôi xa nhau có thể là mãi mãi. Tôi hẹn T mai sẽ đến nhà thăm gia đình, T đồng ý…

Về gường đêm ấy, Huấn thủ thỉ : "Tao hẹn B tối mai gặp nhau ở cầu xi măng" Hắn còn bảo :”về nhà làm gì mất thời gian lắm, mai hẹn ra cầu cùng tao không hơn à!”. Sáng hôm sau ,tôi qua hẹn lại với T và thông báo cả chuyện Huấn và B, chúng tôi có thể cùng đi .

Chiều tối hôm sau, tôi và Huấn mò ra cầu xi măng. Hai thằng ngồi trên thành cầu hồi hộp chờ đợi. Trời tối hẳn, sắp tới giờ “G”, chúng tôi càng nóng ruột, cứ đốt thuốc liên tục. Mắt hai đứa nhìn xa thẳm theo con đường dẫn ra biển. Xa xa thoáng thắp ánh đèn, ngày một rõ. Tim tôi rộn lên, tôi tự nhủ lần này, trước lúc chia tay phải mạnh dạn lên …Ánh đèn chập trờn trong gió, sáng dần. Chúng tôi bắt đầu nghe tiếng chân bước, hơi lạ vì bước chân nằng nặng làm sao. Không chịu nổi chúng tôi rời chỗ ngồi tiến về phía ánh đèn. Khi nhận ra ... thì bà mẹ đã kêu lên : "May quá! ..Các chú giải phóng ơi!.. Giúp mạ con tui với!..” Trước mắt tôi là một bà mẹ và một cậu bé chừng 14 tuổi. Trên vai hai người là một cáng võng. Cả hai người run run kiệt sức. Chúng tôi điếng người, nhưng theo phản xạ hai thằng ghé vai đỡ cho họ. Tôi hỏi : "Bây giờ đi đâu hả mạ”

Nhà hộ sinh huyện. Bà mẹ đáp

Cách bao xa? Huấn hỏi

Chừng sáu, bảy cây số.

Chết chúng tôi không chứ. Sáu bảy cây, chúng tôi có bay cũng không kịp được. B và T đến sẽ không thấy chúng tôi rồi. Thằng Huấn đi sau tôi nói như than : "Việt ơi! khổ thế…”

Tiếng rên của phụ sản trên võng làm chúng tôi quên hết mệt nhọc, cứ lao về phía trước theo ánh đèn của bà mẹ.T rong đầu thì nghĩ đến hai o du kích

Nhà hộ sinh huyện tối om, nhưng vẫn có người trực, bên ánh đèn dầu chúng tôi cùng gia đình làm thủ tục cho sản phụ. Xong xuôi hai đứa ra cái giếng trước cửa, gột rửa bùn bắn vào quần áo. Chúng tôi buồn bã nghĩ đến chuyện hẹn hò. Giờ này còn ai trên cầu nữa, hai đứa cứ ngồi bên thành giếng chẳng biết làm gì.

Căn phòng sáng mờ mờ bỗng có tiếng oa oa. Cửa phòng bật mở, o y tá cầm xô nước chạy lại, nói với chúng tôi : "Con trai, các eng ơi!”

Cô Y tá xách xô nước chạy vào, bóng cô bay bay, nước trong xô sóng sánh văng trên đường chạy.

Chúng tôi đứng dậy thầm chào chú bé, công dân mới của Quảng Trị đau thương, nghĩ đến B và T chẳng biết nói sao nữa, không kịp rồi. Chúng tôi còn phải đi tiếp,để lại nơi đây bao vui buồn luyến tiếc.

10 nhận xét:

  1. Hì...!Cũng còn may chán,nếu ko ôg bạn tôi phải nghe cái giọng:Ngũ thập hỉ!Thì bây giờ ko piết có còn gặp nhau để bù khú ko?

    Trả lờiXóa
  2. Có bao nhiêu câu chuyện tình trong chiến tranh. Mỗi chuyện một khác nhau, nhưng chỉ nhè nhẹ như vậy để cho người ta nhớ mãi. Câu chuyện trên chắc cũng là một nguồn động viên trong những ngày tiếp sau của bạn ở chiến trường? Tôi nghĩ như vậy.
    Út khởi động năm nay dát 00.00 để anh em lớn tuổi rồi mà thức khuya viết bài, tội nghiệp quá.

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện này thuộc thể loại văn học "Lãng mạn Cách mạng" vì nhờ có "tình huống" éo le là xuất hiện bà bầu, nếu không thì...bên cầu !! Cám ơn K.V gợi nhớ nhiều kỷ niệm đẹp thời chiến tranh.

    Trả lờiXóa
  4. Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta.
    Đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo,
    Đêm trăng sáng bên cầu "cho anh xin tý xà phòng".

    Trả lờiXóa
  5. Nói vậy thôi, chứ hôm đó có gặp được 2 O du kích chắc 2 ông cũng chỉ dám đứng tán dóc với khoảng cách gần nhất là 1 mét ( Hồi đó còn trẻ..con, chưa "nhừ" như bây giờ ). Với lại mùi thuốc Rê của các O ( phụ nữ từ già tới trẻ, hầu như ai cũng có 1 bịch giắt cạp quần, sẵn sàng moi ra bất cứ lúc nào ) không biết K.V có thấy quyến rũ không, chứ tôi thì ...chịu !

    Trả lờiXóa
  6. @ĐH:Nữ du kích Quảng Điền từ Ấp lên rừng còn cách xa 50m đã biết vì mùi xà bông Camay.Các o mặc bà ba mỏng mồ hôi thấm ướt lưng áo..Lính ta gặp chỉ còn cách ngồi xuống, giả vờ rút dép hay rít thuốc lào thôi.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  7. Vậy ôg KV lúc ấy chắc toàn là đi "Khom" lưng?

    Trả lờiXóa
  8. Cái "dáng" đi của K.V bây giờ là "bệnh nghề nghiệp" từ hồi đó ! Thế mà cứ tưởng bạn mới bị đau lưng vì già ? ( cười to lên! không được tủm tỉm cười một mình đấy nhé )

    Trả lờiXóa
  9. AE K7 mà găp các o trong nớ , thì AK7,ĐH làm đọng tác "rút dép "sớm.
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  10. Tay thì làm động tác "rút quai dép" nhưng mắt thì nhìn lên...trời phải không K.V ?

    Trả lờiXóa