Tiểu đội của tôi
Nhập ngũ 06 tháng 01 năm 1972 cùng với Vũ Trung(K8 Trỗi), Y Hòa(K 7 Trỗi), Chấn Hưng(K22 Trãi), Phương Bình(K7 Trỗi), Thanh Sơn(K22 Trãi), Lương Hòa(K22 Trãi), Nho( K22 Trãi),Ngô Tất Thắng(K7 Trỗi),...biên chế vào C42 D54 E59 huấn luyện tăng cường cho mặt trận Quảng Trị của Bộ tư lệnh Thủ Đô, sau đó tôi được trên điều động sang đơn vị mới đó là Z1E205 Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc đóng quân trên địa bàn của một xã miền núi huyện Thanh Sơn ,Phú Thọ. Tiểu đội của tôi là tiểu đội "Con cưng" của tiểu đoàn bộ Z1 gồm Thái Hòa "Khọm"(K 6+7 Trỗi), Lê Vân(K 7 Trỗi), Hồng Hà(K 7 Trỗi), Hà"Mít"(K 7 Trỗi), "Tề"Phúc(K 7 Trỗi), Thống Nhất(K 7 Trỗi) và 5 chàng thanh niên của Đông Anh, Gia Lâm Hà Nội cùng Trần Hải, cháu của Trung tá Trần Bạo - Trung đoàn trưởng E205 nữa; trong đó tôi là Binh nhất, còn các chàng kia là Binh nhì. Tiểu đội trưởng của chúng tôi là Hạ sỹ "Mốc" Nguyễn Văn Thuộc, người Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Nội. Sở dĩ vì sao chàng được gọi là "Mốc" thì tôi không rõ, nhưng hình như cũng gần chục năm "Chống gậy tìm sao" rồi. Hồi đó chúng tôi là những chàng lính vừa rời ghế nhà trường, trẻ măng, mặt còn lông tơ, tuổi vừa chớm 18, còn chàng tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thuộc mới 28, nhưng trông đã già dặn so với lũ chúng tôi lắm rồi, dáng nhỏ thó, vui tính, nhanh nhẹn và chưa vợ. Chúng tôi huấn luyện tân binh thời gian đầu ở nhà dân trong bản gần tiểu đoàn bộ. Thời gian này vất vả nhưng thắm đậm tình bạn bè, đồng chí. Ngoài những thời gian ban ngày lao động xây dựng lán trại, học chính trị và tập kỹ chiến thuật Thông tin liên lạc, buổi tối chúng tôi quây quần bên bếp lửa nhà sàn uống chè"Bồm" hoặc cà phê "Bít tất" tán dóc về những món ăn ngon của Hà Thành hay những kỷ niệm tuổi học trò ở trường Trỗi hay trường Nguyễn Trãi, Hà Nội.Tôi và Hồng Hà còn tranh cãi nảy lửa về "Thế nào là giờ GMT?", mãi nhiều năm sau này khi gặp lại ở quán giải khát đầu ngã tư Điện Biên Phủ cắt Hoàng Diệu, Hồng Hà mới công nhận tôi đúng, sau khi "Bật mí" là có tham khảo ý kiến "Ông già"(Thiếu tướng Lê Liêm, thứ trưởng Bộ Văn Hóa). Lê Vân( Con Chính ủy Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc-Thiếu tướng Lê Cư), tiểu đội phó, dáng đậm chắc, chín chắn, cương trực. "Tề" Phúc chàng trai hay hát(Con Thiếu tướng Phục-Cục trưởng Cục Chính sách quân đội), tôi biết hát một vài bản tình ca và dân ca Ý hay Nga là học"Mót" của chàng này. Thống Nhất cao gầy, đẹp trai và đỏm dáng nhất tiểu đội(Con Đại tá Nguyễn Thông-Chánh Văn phòng TCCT quân đội), tuy cũng là quân phục nhưng chàng này mặc vào và tay lúc lắc đồng hồ Rolex là ăn đứt siêu người mẫu Bình Minh, làm không biết bao bóng hồng trong đơn vị bị "Say nắng". Thống Nhất nổi tiếng đơn vị về tài thiện xạ, chẳng là chàng được bố cho mượn khẩu súng thể thao và một cơ số đạn"Khủng" nên Chủ nhật nào tiểu đội tôi cũng được một bữa tươi với chim cu xanh hay gà rừng. Hà"Mít"(Con tướng Kinh Chi-Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội), thấp bé nhẹ cân nhất tiểu đội, xứng với danh"Mít" từ hồi ở trường Trỗi....
Tiểu đội chúng tôi đang "Yên ả" và trực thuộc tiểu đoàn bộ Z1-KV12 thì có lệnh di chuyển từ trong bản ra ở tại tiểu đoàn bộ và hàng ngày đi rừng lấy gỗ,tre,nứa và lá tranh về xây dựng lán trại chuẩn bị đón tiếp hơn một trăm cô lính mới của thành phố Thái Nguyên và vùng phụ cận để thành lập đại đội mới. Đại đội tân binh biên chế gồm 3 trung đội nữ và một tiểu đội nam của chúng tôi. Thời gian này phải nói là cũng khá vất vả, tôi và Hà "Mít" thuộc dạng loẻo khoẻo và thấp bé nên nhiều hôm anh em về lán nghỉ từ lâu rồi mà chúng tôi vẫn lết bết trong rừng với đống nứa ngộ vừa to lại vừa dài, vì hồi đó đã có"Khoán sản phẩm" của Bí thư Kim Ngọc-Tỉnh Vĩnh Phú rồi! Đến khi các nàng tân binh má đỏ hây hây, tóc thề ngang vai, trong những bộ quân phục mới còn hồ sột soạt đến đơn vị, sự "Tràn ngập lãnh thổ" của các nàng làm không khí ở tiểu đoàn bộ và các đại đội trực thuộc sôi động hẳn lên. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội thì lo sốt vó, chỉ lo có "Sơ sẩy" gì thì chết, còn anh em thì phấn khởi ra mặt, vì phần lớn anh em lâu nay đi bộ đội đã chín mười năm, toàn thượng sỹ"Mốc", trung sỹ "Mốc" cả và chưa có điều kiện về phép để lập gia đình. Còn chúng tôi, 12 chàng tân binh , trong đó có 6 chàng trai Hà Nội là lính Trỗi cũ chưa bao giờ cầm cổ tay con gái và chưa biết yêu là gì thì cứ nhởn nhơ, "Con nai vang ngơ ngác". Nhưng "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", vào một đêm trăng sáng, tôi đang gác trong vọng gác trên đồi , trăng thanh, gió mát, ngồi ôm súng "Mơ màng nghe chim hót ở trên cao" choàng dậy chẳng thấy súng ống đâu, tá hỏa chạy đi tìm thì tiếng kẻng báo động vang lên,... thì ra chính trị viên tiểu đoàn"Lo" không ngủ được, đi một vòng kiểm tra, qua đại đội tân binh thấy nhà của 3 trung đội nữ và tiểu đội nam của chúng tôi "Im phăng phắc", tịnh không có một tiếng ngáy, nghi quá, ông ngó vào thấy giầy dép vẫn nghiêm văn chỉnh, nhưng hình như một số giường chỉ có màn không, đi qua chỗ tôi gác ông thu súng rồi giấu gần đấy để cảnh cáo,...Nghe kẻng báo động, thế là anh em, chị em từ bìa rừng cạnh đơn vị tán loạn chạy về tập hợp nghe chính trị viên tiểu đoàn huấn thị và khiển trách, tôi may mắn mò tìm lại được súng, thật là kinh nghiệm nhớ đời, hú vía. Chỉ có chàng binh nhì Trần Hải là cùng với nàng binh nhì Thu Hà "Đậu phộng rừng" đến tận chiều hôm sau mới tìm thấy"Tiểu đoàn bộ"!. Tiểu đội tôi còn nhiều chuyện cười ra nước mắt của những chàng "Công tử" Hà Nội, nhất là những buổi đi cầy, đi cấy và làm cỏ lúa tăng gia hay giúp dân gặt lúa của đơn vị, đúng là: " Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi đi cầy còn khổ hơn trâu!"...
Đại đội tân binh được thành lập với nhiệm vụ đào tạo điện tín viên và nhân viên trực tổng đài phục vụ các chiến trường A,B,C đang diễn ra ác liệt và đặc biệt hiệu quả trong việc góp phần vào chiến thắng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, trận "Điện Biên Phủ" trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà nội chống trả "Pháo đài bay" B52, "Hung thần" F111 cánh cụp cánh xòe của không lực Hoa Kỳ và Tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Sau đó, tiểu đội của tôi được tung đi khắp nơi, mỗi đứa một phương, Bắc, Trung, Nam đều có cả, nhưng chắc rằng chúng tôi không ai quên những kỷ niệm những ngày đầu ở bộ đội.
TH.K6+7
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét