Hoài Phúc
Tôi không nhớ những điều các bạn nhớ, nhưng có thể tôi nhớ những điều các bạn không nhớ.
Tôi đã đọc ở đâu đó có người viết rằng : Hãy đóng con thuyền từ những mảnh ghép của hồi ức, bạn sẽ được về với cội nguồn xưa !
Các bạn Thạch Thất cùng nhau nhớ nhé !
Hơn bốn mươi năm trôi qua rồi. Bây giờ một mình tôi chỉ có thể nhớ được phần nào của câu chuyện, phải có tất cả các thành viên thì mới viết lại được trang sử Thạch Thất thật đầy đủ và ngọn ngành .
Hưng Hóa, một buổi sáng cuối tháng Mười năm 1968.
Hôm ấy là thứ Năm, chúng tôi không có giờ chính khóa, mà mọi người tự học. Bỗng nhiên tôi được thầy Chủ nhiệm, hay còn gọi là thầy Trung đội trưởng, mời lên phòng riêng của thầy nói chuyện. Câu chuyện ngắn ngọn nên đến bây giờ tôi còn nhớ nội dung chính.
- Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nhà trường sẽ tổ chức một Phân hiệu riêng dành cho các em hạnh kiểm kém và học yếu để không làm ảnh hưởng đến mọi người...
- Thưa thầy, em có phải “ đi “ cái Phân hiệu đó không ạ ?
- Tôi không biết.
Lúc đó tôi quá ngây thơ. Tôi đã tự an ủi và bấu víu vào câu trả lời thầy : “ Tôi không biết “. Tự cho rằng, chắc gì mình đã phải “ đi “. Và sau này nghĩ lại, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức thêm một Phân hiệu, thì thầy lấy đâu ra cái “ kinh nghiệm của riêng tôi “.
Sự ngây thơ đã khiến tôi tin vào câu “ Còn nước còn tát “, tôi đã quyết tâm sẽ tu dưỡng ngay sau khi rời khỏi phòng của thầy. Hy vọng rằng có phép trừ đại số thần kỳ xảy ra : Tu dưỡng tức thì sẽ trừ tên tôi ra khỏi danh sách đi Phân hiệu mới. Xuống đến lớp tôi lập tức mở bài vở ra học, chứ không nói chuyện riêng hay chọc phá những người khác nữa. Trong thâm tâm lúc nào, cũng nghĩ mình sẽ tu dưỡng để không phải đi cái Phân hiệu gì gì đó.
Suốt buổi trưa hôm đó đầu óc tôi lúc nào cũng bị ám ảnh về câu chuyện của thầy.
Báo động tập họp ! Cơ hội chứng tỏ mình đây rồi. Tôi nhanh chóng xuống xếp hàng. Đứng hẳn ở hàng thứ ba, một điều chưa bao giờ xảy ra trong những năm tôi học trước đó ở trường Trỗi. Đứng sau mới có cơ hội nói chuyện riêng hay chọc phá những đứa khác chứ. Đang suy nghĩ, không biết thành tích này của mình có được ghi nhận không thì :
– Các em có tên sau đây lên gặp Ban chỉ huy Tiểu đòan
Lần lượt những cái tên có vấn đề với “ hạnh kiểm “ và “ học lực “ được thầy Soạn xướng lên . Mới nghe qua tôi đã hiểu ngay là chuyện gì rồi. Vì tôi ở trung đội 4, nên trong một khoảng thời gian căng thẳng tột độ tên tôi vẫn chưa được xướng đến. Nhưng “ Tránh trời sao khỏi nắng “ .
Trên đường lên gặp Ban chỉ huy Tiểu đoàn cả bọn ngơ ngác, hoang mang nhìn nhau chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra. Chẳng phải bàn, tôi biết chuyện gì sẽ chờ đợi bọn tôi.
Tại Ban chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi được thông báo lại những gì thầy Chủ nhiệm đã nói, kèm theo những lời khuyên bảo và các câu hứa hẹn ngày trở về. Và cũng tại đây lần đầu tiên tôi được biết thêm một câu thành ngữ : “ Em cắn rơm cắn cỏ lạy thầy, thầy tha cho em … “ từ miệng của một quý ông đồng niên không tiện nêu tên ở đây.
Điểm mặt các chiến hữu tương lai, tôi thấy làm lạ vì sao lại có những gương mặt chẳng xứng đáng với 108 “ Anh hùng Lương Sơn Bạc “ chút nào. Ví dụ như Cương Đì, Kiên Dầm , Ngọc Sơn ... và Tiến Quân chẳng hạn. Tiến Quân đâu phải là học sinh cá biệt. Nếu không phải là cá biệt thì phải học dốt mới đủ tiêu chuẩn. Nhưng tại sao học dốt mà sau này lại được chỉ định làm lớp Trưởng ở Thạch Thất ? Không thể hiểu được.
Tối hôm đó, nhà trường cho các lớp mỗi đứa 3 hào để liên hoan chia tay với các bạn “đi” Phân hiệu 4, Phân hiệu sau này được gán với cái tên nhớ đời : Phân hiệu Cải tạo. Bàn tiệc gồm có chuối tiêu, một đặc sản cực rẻ của Hưng hóa , kẹo lạc và vài bao thuốc lá do mấy thằng Phân hiệu 4 liều mạng đem vào. Theo chúng nó nghĩ thì đằng nào cũng chết nên cứ hút.
Trong buổi liên hoan tại trung đội 4, Ngọc Sơn thay mặt nhóm Cải tạo đứng lên phát biểu và hứa rất chi là liều : “ Ngày chúng tôi trở về, trên ngực mỗi người sẽ lấp lánh chiếc huy hiệu Đoàn “. Thế mà mấy thằng điếc không sợ súng ấy lại được kết nạp vào Đoàn thật mới đểu chứ.
*
* *
Sau khi chính thức được xác nhận mình có tên trong danh sách “đi” cải tạo, tự nhiên tôi thấy căm ghét một thằng bạn rất thân từ những năm cấp 2, hồi ở Quế Lâm Trung quốc, hắn cũng “ ngoan “ hệt như tôi. Chẳng hiểu tại sao, vào đầu năm lớp 8 hắn lại giở trò tu dưỡng. Hắn được kết nạp Đoàn, và còn được làm lớp phó nữa đấy. Từ đầu năm học, tôi đã thấy giữa chúng tôi đã có điều gì khang khác rồi. Tôi vẫn trung kiên với quá khứ, còn hắn thì được đứng trong hàng ngũ học sinh ngoan. Và cái Phân hiệu 4 chết tiệt ấy đã đẩy hai chúng tôi vào hai ngã đường xa cách. Phải “ ra đi “, tôi còn căm ghét hắn hơn ! Nhưng có một điều mà tôi không ngờ. Đêm hôm đó, khi mọi người đã đi ngủ , hắn lại gọi tôi ra và đưa cho tôi 2 bộ quần áo còn mới toanh. Quá ngạc nhiên , tôi không biết nói gì. Nó thương hại mình ? Hay nó vẫn là bạn tốt của mình ? Sự thiếu thốn đã đánh bại lòng tự trọng. Tôi đã nhận quần áo của hắn cho. Thật tình , bây giờ tôi không nhớ là mình đã nói gì với hắn lúc đó nữa. Chỉ biết là ác cảm đối với hắn đã giảm bớt đi nhiều. Nhưng không phải là hết, chắc tại tôi còn cay cú. Sau này, khi tôi đã quay về Hưng Hóa, nhà trường lại tổ chức Thạch Thất lần thứ hai, tôi ở lại và hắn lại là người phải ra đi. Chỉ tiếc là tôi không có gì để cho hắn lúc chia tay. Hóa ra việc phấn đấu tu dưỡng của hắn đầu năm lớp 8 chỉ là hứng chí nhất thời, không nghiêm túc lắm. Ông bạn vàng của tôi ơi ! Nếu có đọc những dòng chữ này, thì đừng giận tôi nhé!
Chiếc xe cứu thương màu xanh lá cây nặng nề chở những đứa con lạc lối rời cổng trường trong một buổi sáng mù sương. Không khí nặng nề, ảm đạm phủ trùm lên những gương mặt ngơ ngác. Dường như tất cả đều chung một ý nghĩ : Bao giờ mình mới được quay lại chốn thân thương này ?
Ra đi âm thầm, không có một ai tiễn đưa, vì đang giờ học. Trời mù sương như tương lai mù mịt đang chờ đón chúng tôi. Ngồi trong chiếc xe cứu thương mà cứ tưởng mình đang ngồi trong xe tù. Buồn quá .
*
* *
Hóa ra chúng tôi không chỉ có một mình. Đã có một bọn đến trước. Một nhóm của Khóa 7 hội tụ đầy đủ các tính cách tương tự như chúng tôi đã có mặt sớm hơn tại địa điểm tập kết. Phải nói là nhà trường đã chuẩn bị khá chu đáo cho phương án đày ải mấy thằng bất trị. Doanh trại của chúng tôi là một trường học của địa phương, nằm trên một khu đất cao, riêng biệt, không gần với dân, bên dưới có ao cá. Sau này Cương Đì đã có mong ước là được xô một vị trong Ban Giám hiệu xuống cái ao cá này, rồi lại xuống cứu lên để được kết nạp vào Đoàn. Thằng này cho đi cải tạo là đúng.
Cả Phân hiệu 4 chỉ có 2 lớp : Lớp 7 và lớp 8. Mỗi lớp có mười mấy đứa đại diện ưu tú của Khóa 6 và Khóa 7.
Ngày đầu tiên chúng tôi được nghỉ ngơi và học các nội qui mới dành cho Phân hiệu 4.
Ngày thứ hai, bắt đầu cải tạo, hay ít nhất là chúng tôi đã hiểu như vậy lúc đó. Công việc đầu tiên là đi giúp nông dân gặt lúa Mùa. Giúp họ khiêng, gánh lúa từ ngoài đồng về sân HTX, rồi đập lúa. Đa số là khiêng, chỉ mình Tiến Bồ mới biết và đủ sức gánh. Đến lúc đập lúa tôi mới biết cái Néo là gì, và tại sao người ta nói : “ Già néo đứt dây “.
Chỉ mới một buổi sáng thôi mà các công tử con ông cháu cha đã mệt muốn chết rồi. Phải nói là lao động chân tay giúp ích rất nhiều cho việc tiêu hao năng lượng, cũng như việc thu nạp lại năng lượng. Đến bữa, đứa nào cũng ăn hùng hục. Kết quả là trong bữa ăn trưa đầu tiên Cả Phát đã lập kỷ lục ăn hết một nửa rá ngô bung, khoảng 6 đến 7 bát. Một kỷ lục, một điểm mốc của Thạch thất được ghi nhận. Cùng cả nước, món ngô là món không thể thiếu và lúc nào cũng đầy đủ trong các bữa ăn của chúng tôi lúc bấy giờ.
Có ai về trường tôi.
Xin vô ghé thăm nhà xí nhé.
Dòm xuống mà nhìn.
Trông kìa ! Ối ngô toàn ngô
Trường tôi… Ăn ngô toàn ngô
Ăn i.. ra ngô, ôi ngô toàn ngô.
Còn nhớ chăng ? Mới chiều hôm qua
Anh em chúng mình cùng ăn một nồi ngô thật đầy.
….
Thay lời bài hát " Quảng Bình quê ta ơi ! “
Sự kiện Cả Phát chỉ là bắt đầu. Ăn xong, cả bọn phát hiện thấy thầy Phong, Đại đội trưởng, đang lóc cóc trên chiếc xe đạp đi vào. Đứa nào cũng thấy cảm động. Mới xa có một ngày mà thầy đã đến thăm. Buổi trưa hôm đó, thầy Phong đã thực hiện một cuộc phỏng vấn mang tính riêng tư và bí mật đối với một số thằng. Các câu hỏi phỏng vấn bao gồm : “ Em có lấy chiếc áo quân phục bạn Thiệp ở trung đội 3 không ? ” . “ Em có lấy chiếc quần đùi của bạn Đoàn Quân không ? “ v.v… Ngay trong buổi chiều hôm đó thầy Phong đã trở về cùng với nửa bao tải “ tình cảm “ từ Phân hiệu 4 để bàn giao lại cho các khổ chủ vốn là bạn bè, chiến hữu có phần may mắn hơn.
Sinh hoạt và học tập của chúng tôi có ít nhiều thay đổi. Học ít môn hơn, vì không đủ giáo viên các môn phụ, nhưng học các môn chính nhiều hơn. Bị quản lý chặt hơn vì tỷ lệ thầy cô trên học sinh cao hơn 2 Phân hiệu kia.
Ngoài việc học hành như bình thường, chúng tôi còn có nghĩa vụ hàng ngày thay nhau gánh nước giúp các cô nuôi. Bên cạnh lớp học có một ụ đất chống bom bi rất cao và to. Chúng tôi được giao nhiệm vụ san ủi nó xuống vì giặc Mỹ đã dừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Sau đó lại đắp nó lại như cũ vì khả năng Mỹ có thể ném bom trở lại miền Bắc là rất cao.
Khu vệ sinh lúc đó là một nhà xí hai ngăn, lợp ngói và tương đối là tân thời so với nông thôn thời bấy giờ. Chẳng biết từ lúc nào lại xuất hiện một trò quái ác. Hễ thấy bóng người đi vào nhà xí là lập tức những thằng chứng kiến đều tham gia vào lễ hội “ Củ đậu bay “ hướng về ngôi nhà nhỏ bé hai gian kia, nơi có người đang cần giải tỏa. Có lần, cả bọn đang thi nhau ném đá vào nhà xí vì thấy bóng người đi vào, thì thấy cái bác, mà Cương Đì có ý định xô xuống ao, thò đầu ra thều thào : Bác đây, các cháu ơi ! Hình như sau đó bác ấy không bao giờ dám sử dụng dịch vụ này ở Thạch Thất nữa. Chẳng biết trong biên bản bàn giao trả lại cơ sở, có điều khoản Trường Nguyễn Văn Trỗi phải sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh này không ? Vì sau đó nó chỉ còn là những bức tường không nóc, không cửa. Người vào đây có thể tận hưởng khí trời trong ba bức tường còn lại.
Để vinh danh cho hoạt động này, anh bạn Phan Triều Tiên đã sửa lời bát hát “ Ra khơi nhờ tay lái vững “. Nhạc Trung quốc. Mời các bạn không ở Thạch Thất tham khảo.
Trên đường ra hố xí hai tay cầm giấy
Vừa ăn xong bụng thấy cồn cào
Chân tuy bước, nhưng bụng đã mừng thầm
…..
Nhưng mà không lâu,
Không biết đá bay từ đâu
Co rúm mình anh không dám ngồi
Đứng lên dòm, miệng thì la í ới :
Đừng ném đá, khéo sưng đầu tao.
Cạnh nhà xí tội nghiệp còn có một chuồng lợn bỏ không. Một lần chúng tôi đang ngồi nói chuyện trong lớp học, bỗng thấy thầy Võ Bình cười tủm tỉm. Theo hướng chỉ tay của thầy, chúng tôi thấy trong chuồng lợn có một anh chàng đang lúi húi dùng kéo tỉa tót hay cắt gọt cái gì đó giữa hai chân mình. Hình như anh chàng này chưa kịp thích nghi với những xuất hiện thêm các thành phần mới trong cơ thể ở giai đoạn dậy thì, nên đã âm thầm tìm cách loại bỏ chúng đi. Đúng là hồi ấy chúng mình chẳng được giáo dục gì về giới tính cả.
Ngoài mặt học hành ra, hạnh kiểm của chúng tôi được đánh giá là tốt hơn nhiều so với trước đây. Lý giải cho việc này chỉ có một cách là vì trong khuôn viên nhỏ các thầy gặp chúng tôi thường xuyên và nhiều hơn, lại không thấy hoặc nghe những việc được gọi là xấu do chúng tôi làm. Thực chất chúng tôi có cái gì gọi là giác ngộ đâu. Kết quả của sự tiến bộ này là vào cuối tháng Mười Hai năm đó đã có một số đứa được kết nạp vào Đoàn. Sang đầu tháng Một năm sau, khi phụ huynh lên thăm chúng nó tự hào khoe rằng : Con vào Đoàn từ năm ngoái. Tôi chưa vào Đoàn đợt ấy mà vào đợt 2, sau nửa tháng. Ấn tượng còn đọng lại mãi trong tôi : Ngày vào Đoàn, tôi ngồi viết đơn dưới ánh sáng ngọn đèn Măng-xông vừa được thắp lên để tổ chức lễ kết nạp. Tự xét thấy mình, hay những thằng khác cũng chẳng có gì thay đổi hay tiến bộ mà vẫn được vào Đoàn. Phải chăng bệnh thành tích trong ngành giáo dục đã xuất hiện từ thời đó ? Có khi còn sớm hơn ! Cương Đì đã đưa ra một ý tưởng vừa khôi hài, vừa kỳ quặc khi muốn được vào Đoàn. Đó là xô người xuống ao, rồi cứu người ta lên lấy thành tích để được vào Đoàn. Lúc đó nhận thức về Đoàn có vẻ không được đầy đủ và chính xác lắm. Nhưng rồi, hầu hết chúng tôi đều được kết nạp vào Đoàn. Và hầu hết số Đoàn viên đó được tuyển dụng lại làm thành viên cho Thạch Thất lần thứ hai
Cách doanh trại chúng tôi khoảng bốn năm trăm mét có con sông Tích. Con sông này đã góp phần tẩy rửa bụi bặm trần gian trên người chúng tôi vào những ngày hè nóng bức. Đâu có phải chỉ mùa Hè, ngay trong những ngày rét buốt cuối tháng Mười Hai vẫn có những thằng điên lao mình xuống, miệng hô to câu Trước tác Mao tuyển bị đầu độc từ hồi Quế Lâm : “ Hạ quyết tâm, không sợ hy sinh, không ngại gian khổ, đi để giành thắng lợi ! “. May mà hồi đó không thằng nào bị sao. Con sông này đã không ít lần chứng kiến các vụ xô xát giữa thanh niên địa phương với em út của anh Trỗi. Có lần cả bọn đi đánh nhau không kịp về điểm danh, thì lại giả vờ ấp úng là đi nghe đài. Tội lỗi được ghi nhận : Nghe đài địch.
Dần dần chúng tôi cũng thích nghi được với hoàn cảnh mới. Tập thể nhỏ hơn, bị quản chặt hơn. Học ít môn hơn, lao động chân tay nhiều hơn. Từng cá nhân được soi rọi và phơi bày kỹ hơn. Sự ganh đua về học tập cũng như chứng tỏ đạo đức hình thành rõ rệt. Không biết đó có phải là mục tiêu đề ra của nhà trường khi thành lập ra Phân hiệu 4 ?
Tất cả bọn tôi đều mong năm học sớm kết thúc để có ngày đoàn tụ với Đại gia đình. Để tạm biệt Thạch thất, một xứ sở không nói được những từ có dấu “ huyền “ , mà nói thành dấu “ sắc “ hoặc không dấu. Tạm biệt cái án Cải tạo với những kỷ niệm vui buồn khó quên.
Về Thạch Thất còn có thể viết được rất rất nhiều. Nhưng tôi muốn dành phần còn lại cho các bạn khác viết. Có thể các bạn còn nhớ những điều hay hơn, thú vị hơn. Mong có ai đó cùng tôi hoàn thành nốt Hồi ký Thạch Thất. Trên đây chỉ là một phần nhỏ của Thạch Thất lần thứ nhất.
Tháng Chín năm 1969 - Đoàn tụ.
Bọn cải tạo Thạch Thất đã được đoàn tụ với Đại gia đình ở Hưng Hóa. Nhưng chúng bị chia nhỏ ra vào các trung đội. Xui xẻo cho tôi lại vào trung đội có con gái.
Một tháng sau. Thạch Thất lần thứ hai. Nòng cốt vẫn là những thành phần đã được cải tạo trong đợt một. Có bổ sung thêm các tuyển thủ mới, trong đó có ông bạn vàng đã nói ở trên của tôi. Tiếc rằng tôi không có gì để cho hắn lúc chia tay.
Tôi không phải đi Thạch Thất lần thứ hai. Nhưng cũng chẳng sung sướng gì khi ở lại. Chuyện này có dịp tôi sẽ kể sau.
Tôi không biết nhiều lắm về Thạch Thất lần hai. Nghe đồn rằng : Sự kiện Quốc Bình vào Đoàn đã chấm dứt Phân hiệu 4. Cái mốc cuối cùng.
Nếu trường Trỗi không giải tán vào năm sau đó, liệu còn có Thạch Thất lần thứ ba ?
Hoài Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét