Mấy tháng nay, cứ đến chủ nhật tại Hà nội những nhân sĩ trí thức, người yêu nước lại tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn xâm phạm lãnh hải của Việt nam. Trong số đó có nhà văn Phạm Xuân Nguyên hiện là chủ tịch Hội nhà văn Hà nội. Những nhân sĩ trí thức và những người tham gia biểu tình sau đó thường được cơ quan an ninh "quan tâm" một cách đặc biệt. Xin giới thiệu câu chuyện của chính nhà văn PXN do tác giả kể lại.
Chủ nhật 7/8/2011, mình ở quê Hà Tĩnh. Mình về quê giỗ mẹ, nhưng cũng là để thay đổi một chút không khí bức bối ở Hà Nội. Mặc dù quê mình giờ cũng đã lên phố, trở thành phường của thành phố Hà Tĩnh mới tuổi lên bốn. Mặc dù quê mình miền Trung nhiệt độ mùa hè luôn cao hơn ở ngoài Bắc. Nhưng về quê vẫn là về quê, ngay cả khi quê đã khác.
Giỗ mẹ hôm thứ bảy. Sáng chủ nhật, mình ngồi cà phê với anh em, bạn bè ở quê. Bật iPhone vào trang basam, nguyenxuandien xem cập nhật tin biểu tình ở quanh Hồ Gươm. Cuộc biểu tình thứ 9, nhưng là cuộc biểu tình thứ nhất sau lời tuyên bố “Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước” và lời hứa “Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình” của trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), Giám đốc sở công an Hà Nội. Nhìn những tấm ảnh chụp băng cờ, khẩu hiệu và gương mặt những người quen thuộc trong đoàn biểu tình, mình lại thấy rạo rực, sôi nổi, lại muốn được có mặt trong đoàn.
Mình chìa máy cho mọi người xem, có người lần đầu tiên mới biết ở Hà Nội có biểu tình thế này. Nhân tiện, mình kể cho anh em nghe những lần đi biểu tình trước. Và không giấu cả chuyện mình “có đuôi”. Thì vừa lúc đó có một tin nhắn đến trên điện thoại. Có khách đấy! Thế là sáng nay chủ nhật, như thường lệ, “đuôi” mình lại mọc.
Nhà mình là một căn hộ ở tầng 5 của một chung cư năm tầng, gọi là khu tập thể của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (phòng 503, nhà H1, ngõ 37, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội). Các anh lính đến ngồi ở quán nước cạnh chân cầu thang và canh chừng mình đi xuống để đi theo. Cứ chủ nhật là có lính canh, không cần biết mình có nhà hay không.
Sáng chủ nhật 7/8/2011 mình ở Hà Tĩnh, vẫn biết có 6 lính canh túc trực ở Hà Nội tại nơi mình sống, và trong khi trông chừng đối tượng (không biết là đang vắng nhà) thì các anh lính bày trò chơi bài tam cúc cho hết thì giờ nhàn rỗi. Tới trưa thì các anh về, vì đoàn biểu tình chỉ đi buổi sáng. Nếu mình ở nhà khi đó, mình sẽ nói với các lính đó rằng: “Ơ, thế ra các chú không đọc lời tướng Nhanh tuyên bố đã đăng đầy trên các báo à, vậy là các chú không tuân lệnh thủ trưởng cao nhất của công an thành phố à? Anh đi biểu tình là yêu nước theo lời tướng Nhanh nói, sao các chú vẫn còn canh chừng, theo dõi, mà lại tốn đến nửa tiểu đội thế này?”
Trên xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội trưa chủ nhật 7/8/2011, vào mạng mình đọc thấy tin anh bạn phượng hồng ở Sài Gòn cũng trong hoàn cảnh “Messi bị bốn hậu vệ kèm”. Gọi máy thì chàng đang ngồi cụng ly với Quê Choa. Kể với Lập chuyện “anh Nguyên không đi cho em về nhé” cả bọn cười vang bên kia điện thoại.
Lần đầu tiên mình phát sinh hiện tượng “mọc đuôi” là chủ nhật 10/7/2011. Nhưng lần đó thì mới quá nên mình không biết. Thế mới chán. Sáng dậy, mình xuống nhà đi ăn cùng đội 382, một anh bạn đợi sẵn chở đi. (Mở ngoặc nói lại về cái “đội 382” mà đã có lần mình viết rồi để tránh những suy diễn, gán ghép dễ gây nguy tai: mình, một anh bạn nữa, và giáo sư Phạm Duy Hiển* thường cuối tuần gặp nhau ăn sáng, cà phê, cả ba đều đi xe máy Honda 82 giống nhau, nên gọi nhau là “đội 382” cho vui. Chấm hết).
Sáng đó giáo sư Hiển bận, anh bạn chở mình ra địa điểm quen thuộc là cà phê Trung Nguyên “Hội quán sáng tạo” (36B Điện Biên Phủ). Hai thằng đi vào thấy anh Ba Sàm đang ngồi một mình liền tụ vào luôn và ba tên tán gẫu đến tận trưa. Khi về nhà, mình mới được hàng xóm cho biết là “có đuôi”. Thực ra khi đang ngồi quán, mình có nhận được một tin nhắn hỏi thăm sức khỏe, dạo này ốm yếu thế nào mà mọc đuôi dài ra thế. Vì chưa có kinh nghiệm “đuôi” nên đọc tin đó mình cũng không suy luận gì. Bây giờ thì, à ra thế, cứ chủ nhật là mình cảm thấy ngứa ngáy.
Chủ nhật 17/7/2011, mình không tính đi biểu tình vì có việc bận. Cả đêm thứ bảy ngồi suy nghĩ viết một bài gì nhân kỷ niệm 45 năm ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước nổi tiếng mà những tư tưởng của ông vẫn còn ý nghĩa thời sự đến hôm nay cho đất nước, nhân dân. Sáng dậy đi xuống nhà ăn sáng. Tới chân cầu thang nhìn qua hàng nước thấy ngay một người ngồi biết ngay là ai. Ăn sáng xong, về lại hàng nước, bảo ngay với chú lính: “Chú về đi, sáng nay anh có việc bận nên không đi biểu tình đâu”.
Anh bạn béo người, mặt không khó đăm đăm, liền trả lời nhẹ nhõm: “Ôi, thế thì may cho em quá. Anh không biết chứ cả tuần qua em vất vả lắm”.
- Thôi, chú cứ về, anh đã bảo không đi là không đi. Mà anh biết các chú canh đây, anh đi ngủ chỗ khác thì các chú làm sao biết được.
- Vâng, anh không về nhà thì bọn em cũng chịu.
Chuyện trò đôi ba câu như vậy, uống xong chén nước, mình lên nhà tầng năm. Trưa xuống mới hay các chú mới rút đi mươi lăm phút trước.
Chủ nhật 24/7/2011, mình đi biểu tình. Xuống cầu thang, ra lấy xe máy, thì anh “đuôi” hôm trước mặc quần soóc, áo phông vàng, rà xe máy lại hỏi: “Hôm nay anh đi à?” “Ừ, hôm nay anh đi biểu tình”.
Vậy là mình trước, “đuôi” sau. Mình ghé mua xăng, “đuôi” chờ. Mình vào ăn sáng cùng anh bạn 382, “đuôi” chờ. Mình và anh bạn đến nhà giáo sư Phạm Duy Hiển, “đuôi” chờ. Thấy vậy, trong lúc đợi anh Hiển mở cổng, mình gọi bảo: “Thôi, chú lại đây đi cùng bọn anh, chứ cứ chạy theo thế thì mệt và tội quá”. Đùa chút vậy cho đỡ căng thẳng cả hai bên.
Đội 382 bỏ xe máy lại, gọi taxi ra quảng trường Lý Thái Tổ. Vào nhà hàng 2 Lê Thạch, gọi cốc cà phê, ngó ra tượng cụ Lý đã thấy “đuôi” áo vàng ở đó. Anh em hỏi nhau: sao chỉ huy công an bắt lính tráng khổ thế nhỉ, đã biết người ta đi biểu tình rồi thì cứ ra nơi đó là thấy, canh chừng theo dõi nữa làm gì cho tốn người, tốn sức?
Bữa đó, tiến sĩ Nguyễn Quang A* căng hơn mình vì bị ngăn chặn, xét hỏi giấy tờ ở nhà và dọc đường, nhưng rồi anh cũng thoát ra được nhập đoàn cùng mọi người. Trưa về lại nhà anh Hiển, vợ anh bảo có hai người sáng nay cứ qua lại trước nhà, lúc lúc lại dòm vào. Mình nghĩ khéo không mình lại làm tội vị giáo sư đáng kính vì để “đuôi” bám đến nhà anh. Nhưng mặc, nghỉ ngơi chốc lát, mình gọi một người bạn đánh xe ô tô đến và mình cầm lái chở cả đội 382 lên Vĩnh Yên ăn cá Đầm Vạc ngon lành. Tuy nhiên khi quay lại lấy xe máy về nhà, mình bảo anh bạn đi cùng đến tận chân cầu thang đề phòng có chuyện gì đó bất trắc dọc đường. Biết đâu đấy!
Chủ nhật 31/7/2011 đoàn biểu tình nghỉ tuần hành trên phố, chiều đó gặp nhau tại cà phê Trung Nguyên “Hội quán sáng tạo”. Mình ở nhà cả ngày, chỉ xuống đi lúc 4h chiều nên không biết sáng đó có “đuôi” mọc không. Có lẽ là vẫn có, suy luận theo các chủ nhật trước và chủ nhật 7/8 vừa rồi. Nhưng giữa hai chủ nhật này có một lần “đuôi” mọc khiến mình bất ngờ. Đó là sáng 2/8/2011, ngày xử phúc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ. Mình không ký kiến nghị về CHHV, cũng không ký đơn xin tham dự phiên xử phúc thẩm, nên mình không có ý định ra xem quang cảnh phiên tòa.
Kế hoạch hôm đó của mình là buổi sáng ở nhà làm việc, buổi chiều đi họp thường trực BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Nội. Sáng dậy, viết xong bài “Con tập đi cho ngay” về CHHV gửi cho Quechoa đăng luôn, trong khi chờ xem tường thuật phiên xử trên mạng thì có anh bạn từ tỉnh xa về coi phiên tòa nhưng không được vào, nên gọi điện rủ đi uống cà phê. Hẹn bạn gặp nhau ở cà phê Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng, gần trụ sở hai Tòa (Hà Nội và Tối cao) cho bạn dễ tìm.
Mình xuống nhà, lấy xe ung dung, thoải mái, thì bất ngờ thấy mặt anh lính đã quen. Vì đã quen cứ chủ nhật mới mọc “đuôi” nên mình ngớ ra một chút, nói thực là thế. Nhưng ngay đó mình vẫy tay bảo:
- Chú về đi, anh đi ăn sáng với bạn, không ra chỗ xử án đâu. Chú biết anh rồi đấy, nói đi là đi, nói không đi là không đi. Chú cứ yên tâm mà về.
- Vâng, vâng, em biết, các anh khác cũng nói thế cả.
- Mà này, chú tên là gì nhỉ?
- Em tên là Thắng, đã có lần em định nói chuyện với anh, cái hôm anh mua hoa sen về ấy, nhưng anh chưa cho.
- À à…
Và rồi trong lúc mình đang loay hoay nổ máy cái xe Honda 82 cũ sắp thành cổ thì Thắng đứng cạnh bên rút ngay máy điện thoại gọi: “Alô, thưa anh, anh Nguyên nói là anh ấy không ra chỗ xử án, vậy anh cho em về nhé, cho em thôi trực nhé…” Mình nghe thế thấy buồn cười, phóng xe đi. Ấy vậy, trưa về hàng xóm nói là người đi nhưng “đuôi” vẫn còn quanh quẩn.
Mình đi biểu tình ngay từ lần đầu tiên, ngày 5/6/2011, tại Sài Gòn, khi đang có chuyến công tác trong đó. Ra Hà Nội, mình có mặt trong các cuộc biểu tình ngày 12/6 và ngày 3/7. Cho đến khi ấy mình không bị ai hỏi han, theo dõi gì trong cuộc sống thường ngày. (Còn chuyện bị quay phim, chụp ảnh khi đi biểu tình là cố nhiên).
Ngày 7/7/2011, tại đại hội XI của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, mình đọc bản tham luận “Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước” trước toàn thể đại biểu và trước ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội, cùng nhiều ông bà chức quyền của đảng và chính quyền thành phố. Và từ ngày 10/7/2011 mình bắt đầu có “đuôi” bám. Trước đó một ngày, ông Viện trưởng cơ quan mình (Viện Văn Học) đã gọi điện cho mình truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Viện trên (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam) sau khi được cơ quan an ninh sang làm việc về trường hợp của mình. Sự nhắc nhở hai cấp này còn được lặp lại vào ngày 4/8/2011. Nhắc rằng anh Nguyên phải cẩn thận, đừng để có chuyện gì đáng tiếc xảy ra rồi lại nói là không báo trước.
Bây giờ, mỗi lần đi xuống cầu thang và đi đường, mình bực mình vì lẽ ra phải nhìn thẳng luôn luôn, thì mình lại phải chốc chốc nhìn xung quanh và nhìn phía sau. Bị thành “người mọc đuôi” quả là một sự gớm ghiếc. Chưa biết lúc nào thì mình được “cắt đuôi” hay tự “cắt đuôi” được cho mình.
Hà Nội, 8-8-2011
Phạm Xuân Nguyên
* Những trí thức tích cực tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Nguồn: Ba Sàm
* Những trí thức tích cực tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Nguồn: Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét