Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Tản mạn chuyện câu cá.

Hoài Phúc

Đọc bài “Câu cá hồi ở Alaska“. của bạn Minh Phượng, tôi nhớ là mình cũng có 2 lần đi câu cá ở Quế Lâm.

Lần thứ nhất đi cùng Bá Bình. Thật ra tôi chỉ là người đi theo. Mọi thứ đều do Bá Bình chuẩn bị. Điều tôi muốn nói ở đây là chiếc cần câu rất chi là quái dị, chắc chẳng ai có. Cần câu làm bằng cây thước kẻ. Dây là sợi giày cao cổ mà chúng ta hay đi hồi đó. Lưỡi làm từ cây đinh. Vị trí thả câu là nhánh sông con sát với trường Y Trung. Bằng cái cần câu kỳ quái ấy Bá Bình đã câu được một con cá quả khá to đang nuôi con. Đúng là “Cá Chuối đắm đuối vì con“.

Bàn về câu thành ngữ này, tôi xin dẫn sự tích như thế này:

Cá Chuối (cùng họ với cá Lóc ở miền Nam) sau khi "ấp" trứng nở ra một đàn con thì trở nên rất dữ. Trong thời gian "nghỉ hộ sản này" mấy anh như cá Cờ, Lòng tong hay Nhái bén ...mà vớ vẩn loanh quanh tổ là nó "bụp" chết tươi ngay...

Tương truyền,có con cá Chuối Mẹ sợ con đói, nhảy lên bờ nằm giả chết cho kiến bu vào, rồi lăn tòm xuống ao, đem theo cả lũ kiến làm mồi cho con(!). Nhưng có một lần, cá Mẹ nhảy lên bờ quá xa, cố chờ cho lũ kiến bu quanh nhiều đủ cho các con ăn; trưa mùa hè nắng như thiêu như đốt, cá Mẹ kiệt sức không còn đủ sức để nhảy trở lại hồ nữa, đành nằm chịu chết khô cho lũ kiến rỉa thịt (nên mới có thêm câu thành ngữ "Cá ăn kiến - kiến ăn cá" vậy).

Một lần khác, tôi đi câu cùng Nhân Chột. Chúng tôi phát hiện thấy một ao cá cách trường Y Trung khoảng một cây số. Mỗi thằng một cần. Cần câu lần này chính quy hơn nhiều, chỉ có lưỡi câu là phải uốn từ kim băng thôi.

Hôm đầu hai thằng câu được kha khá cá Trôi. Tại lưỡi câu tồi quá, còn không thì chúng tôi còn thu hoạch được hơn thế nhiều.

Hôm sau, quen mui bén mùi , hai thằng lại đi câu tiếp. Vừa mới giật được hai ba con, thì bỗng nhiên một đám “Trung Tàu“ đồng loạt đứng lên từ chổ nấp, la hét om xòm, bao vây chúng tôi. Y như cảnh dân da trắng bị lạc vào các bộ tộc da đỏ hay da đen trong bộ các phim nói đến các vùng Amazon hay châu Phi từ đầu thế kỷ trước. Hai thằng sợ quá, bỏ cần câu, cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Chẳng hiểu lúc đó Nhân Chột nghĩ gì mà vừa chạy, vừa quay đầu lại nói: “Nỉ hảo, Ní hảo ..“. Mấy ông Trung Tàu điên lên, đuổi càng rát. Trên đường có một người phụ nữ đang cuốc đất. Nghe thấy mấy người kia hô hoán, bà ta chạy xộc ra, giơ cuốc chặn chúng tôi lại. Trong phút hiểm nghèo ấy Nhân Chột lại: “Nỉ hảo!“. Bà ta đứng sững lại. Không có từ nào có thể miêu tả được vẻ mặt của bà ta lúc ấy. Sửng sốt? Ngơ ngác? Hơn thế nhiều. Tích tắc ấy đã cứu thoát chúng tôi.

Chạy vòng vèo qua mấy lò gạch, chúng tôi thoát về đến trường.

Nói đến lò gạch, tôi lại nhớ có lần mấy thằng ăn cắp gà của nhà bếp mang lên đó luộc. Được một lúc mấy người công nhân làm gạch cứ chỉ chỉ vào nồi gà nói : “Shủ lơ! Shủ lơ!“ Chẳng hiểu họ nói gì, mấy thằng cứ gật gật. Ba tháng sau, khi sang trường mới tôi mới dám hỏi thầy Hô dạy Trung văn. “Shủ lơ“ là gì ? Thầy nói: “Chín rồi“

Lạm bàn về mấy câu ngoại ngữ thì thế này:

Có con mèo đuổi một con chuột. Con chuột chui xuống hang. Con mèo không bắt được. Loay hoay trước cử hang một lúc, nó bắt chước tiếng gà gáy. Chuột nghe, tưởng mèo đã bỏ đi. Nó chui ra, lập tức bị mèo vồ ăn thịt. Ăn xong, mèo vừa liếm mép vừa nghĩ : “Biết ngoại ngữ cũng lợi thật”.

H.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét