Phương đã đợi tôi ở phòng vé Vietnam Airlines đầu đường Quang Trung. Sau cái bắt tay thật chặt và vòng tay quen thuộc Phương đẩy tôi lên xe. Qua đoạn phố cổ rẽ ra đường Điện Biên Phủ, Phương cho xe chạy thẳng, qua ngã tư Trần Phú vẫn hai hàng sấu già quen thuộc, đây rồi vườn hoa “Lê nin” đối diện là khu nhà ở của gia đình tôi ngày xưa. Tới gần cột cờ ngay đầu bảo tàng quân đội, xe rẽ phải rồi lại rẽ phải một lần nữa sau khi chạy được một đoạn thì dừng lại . Nga, vợ Phương đã đứng đợi chúng tôi trước cổng. Sau khi cho xe vào Garage dưói tầng hầm hai người đưa tôi lên nhà. Nga nói với tôi: “ Anh đi tắm cho khoẻ rồi mời anh lên dùng cơm, đồ đạc để đấy em sắp xếp cho”.
Bàn ăn rộng với nhiều món ăn mà người Hà Nội thường đãi bạn bè thân quen lâu ngày gặp lại, Phương bảo:“Hôm nay Nga nghỉ ở nhà để chuẩn bị bữa ăn đón cậu đấy”. Tôi thật sự cảm động trước tình cảm của gia đình bạn. Vợ chồng Phương cũng giống vợ chồng tôi chỉ có một đứa con, con Phương đã lớn, sau khi tốt nghiệp học viện quan hệ quốc tế cháu được gọi bổ sung vào quân đội, hiện là tuỳ viên quân sự tại Cu Ba. Hai gia đình chúng tôi đều giống nhau ở cảnh neo đơn. Trước khi đi ngủ Nga và Phương thống nhất với tôi, Phương nói “ Những ngày ở Hà Nội cậu ở đây với bọn mình, hoặc muốn tự do thì ra khách sạn, bọn mình đã chuẩn bị cho cậu một phòng, xe máy cậu lấy xe của mình đi cho chủ động. Ăn uống sáng và trưa thì tuỳ nhưng dứt khoát bữa tối cậu phải về ăn cơm với vợ chồng mình”. Vợ chồng Phương có một khách sạn nhỏ ở ngay dốc Hàng Than, mảnh đất này Nga được bố mẹ cho, rồi hai vợ chồng xây cất lên.
Thế là tôi đã ở Hà Nội được ba ngày, nhanh thật, chiều nay ngủ dậy muộn, tôi xuống khách sạn, rẽ qua vườn hoa Hàng Đậu cứ thế bách bộ dọc đường Quán Thánh. Hồ tây đây rồi, mặt hồ lấp lánh trong nắng vàng phía xa xa bên kia công viên Lý Tử Trọng. Con đường Thanh niên quen thuộc ngày nào giờ đẹp hơn. Phía bên hồ Trúc Bạch nhà cửa hiện đại quá, đủ kiểu kiến trúc chen lấn áp sát mặt hồ. Quán Bánh tôm Tây Hồ ngày xưa đây, đằng kia gốc Si già quen thuộc bao nhiêu năm vẫn vậy. Tìm lại đúng vị trí thuở trước bọn tôi thường hay ngồi. Sau khi gọi một phần bánh tôm tôi còn nhắn với theo cô nhân viên:“Nhớ cho chú nhiều nước chấm đấy nhé”cô bé phục vụ tủm tỉm cười, chả biết cô cười vì sao? Đang suy tư “gặm nhấm” những kỷ niệm cũ của mình bỗng có tiếng phụ nữ: “ Xin lỗi anh, hai chúng tôi có thể ngồi đây được không?”. Tôi ngẩng lên, trước mặt là hai phụ nữ, họ không còn trẻ nhưng đều đẹp, tôi để ý thấy cô lớn tuổi hơn có một nốt ruồi phía trên môi. “Tôi chỉ có một mình xin mời hai chị”, rồi kéo ghế mời hai người phụ nữ. Họ cảm ơn. Sau khi đã yên vị cô ít tuổi hơn nói: “ Hôm nay em sẽ chiêu đãi chị Hạnh, chị chọn món đi”. Vừa nói cô ít tuổi hơn vừa đưa thực đơn về phía bạn mình. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hai người phụ nữ kia lại chọn đúng cái bàn mà tôi đang ngồi trong khi những bàn khác ở gần đó còn trống, chắc họ cũng có một nỗi niềm nào đó chăng?
Câu chuyện về chị Hạnh mà tôi muốn kể cho các bạn nghe bắt đầu từ đây. Ngay lúc đầu nhìn người phụ nữ lớn tuổi với nốt ruồi trên môi tôi đã thấy quen quen, hình như mình đã gặp người phụ nữ này ở đâu rồi thì phải. Lục lọi trong bộn bề ký ức, tôi không hiểu đã gặp người phụ nữ này trong hoàn cảnh nào. Họ chuyện trò tự nhiên tôi cố không chú ý đến câu chuyện mà họ đang trao đổi. Chỉ loáng thoáng, họ là hai người bạn cũ lâu ngày gặp nhau, một người vẫn ở Hà Nội còn một người hình như ở nước ngoài mới về. Bỗng có tiếng chuông điện thoại di động người phụ nữ ít tuổi hơn xin lỗi bạn ra ngoài, còn lại người phụ nữ lớn tuổi, chị quay sang phía tôi: “Xin lỗi nếu có gì phiền mong anh thông cảm bỏ qua, chúng tôi là bạn cũ lâu ngày gặp nhau, ngày xưa chúng tôi thường hay ngồi ở đây. Hôm nay biết là phiền anh nhưng chúng tôi không muốn vị trí khác, mong anh thông cảm”.
- Không sao chị đừng bận tâm
Lúc này tôi mới có cớ để xen vào câu chuyện của họ và giải toả những thắc mắc của mình.
- Xin lỗi chị tên là Hạnh?
- Sao anh biết?
- Tôi thấy người bạn của chị gọi như vậy.
- Hơi tò mò một chút, nếu không phải chị bỏ quá cho - Chị làm nghề giáo phải không?
- Ngày xưa, tôi từng là giáo viên, tôi dạy văn nhưng bỏ nghề đã lâu rồi. Người phụ nữ ngạc nhiên.
- Đã có thời gian nào chị dạy ở trường cấp ba Quảng Yên ?
- Trời ơi ! sao anh biết, người phụ nhìn tôi trân trân.
Lúc này thì tôi đã nhận ra trước mặt mình là người đàn bà mà tôi quen biết hơn ba mươi năm trước. Trước đó cái tên Hạnh và nốt ruồi trên miệng đã làm tôi lờ mờ nhận ra chị lúc mới gặp.
- Chị Hạnh! chắc chị không còn nhớ em? Em là Phan đây.
- Trời ơi! người phụ nữ thảng thốt: Phan! Có thật Phan không? rồi hai tay đưa lên ngang ngực như cố kìm nén cảm xúc của mình, chị nhìn tôi đôi mắt loang loáng nước, khi những xúc động đã vơi đi, mãi một lúc lâu chị mới nói:
- Hơn ba mươi năm, Phan thay đổi thế này làm sao nhận ra. Nhiều năm qua chị đã cố tìm Phan mà không được. Bây giờ Phan ở đâu? Cứ tưởng chiến tranh đã cướp nốt Phan rồi.
Người bạn của chị cũng ngạc nhiên không kém về sự gặp gỡ của hai chúng tôi, và để cho chúng tôi nói chuyện. Tôi cho chị số điện thoại cầm tay, địa chỉ khách sạn và hẹn gặp lại, vì chị có buổi gặp gỡ tối nay cùng gia đình, còn tôi cũng không muốn để vợ chồng Phương phải đợi cơm chiều, rồi chúng tôi chia tay nhau....
Vì sợ anh em "mỏi mắt cuốn trang" mong thông cảm.
Tuyệt vời!
Trả lờiXóaMột đọc giả Trỗi K4
Chỉ biết nói 1 từ cảm thán "Hay!".
Trả lờiXóa