“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về một loài cây…”
Hà Nội có vườn Bách Thảo nằm kề khu Phủ Chủ Tịch.
SAO CÒN CÓ NHỮNG NGƯỜI TỐT THẾ
Đường Kim Mã theo hướng “ra phố” sáng thứ hai nào cũng đông nghịt người, xe. Hôm nay cũng vậy. Mà hình như phía trước tắc đường hay sao mà hầu như không thấy nhúc nhích thế này. Rồi thì xe tôi cũng bò được đến chỗ tắc gần phố Núi Trúc, bên kia là khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc. Dòng người và xe như một đám bèo rác đang trôi trên sông thì gặp một cái xác chết. Thế là bèo rác tự động tách ra làm đôi, vẽ thành hai nửa hình ô van, uốn lượn qua cái xác trôi sông để nhập lại làm một khi vòng qua cái xác chết. Rồi bèo rác lại thong thả trôi tiếp.
Nhưng cái xác chưa chết. Giữa đường là một người đàn ông trung niên, mặt xây xát, ngồi bệt. Một tay anh ta đỡ dưới gáy một bà cụ đang gối đầu trên đùi anh, tay kia liên tục bấm điện thoại di động, nghe, nói, rồi lại bấm. Bà cụ nằm bất động, sõng sượt, máu chảy nhiều quá.
Tôi táp xe máy vào lề bên trái con đường một chiều và cố gắng dừng những chiếc ô tô đi cùng chiều đang lừ lừ bò đến. “Anh/Chị/Cháu/... ơi! Cứu người ta với.” Cả chục cỗ máy vô cảm tiếp tục lừ lừ trườn đi. May sao bên lề phải có một cái xe bảy chỗ dừng lại. Một người đàn bà và một thanh niên ra khỏi xe, quay lại chỗ người gặp nạn. Có thêm một người đàn ông luống tuổi cũng dừng xe máy giúp một tay khênh bà cụ lên xe.
Thế là yên tâm về người. Tôi thấy trước xe mình, bên lề đường có một cái xe máy đổ nghiêng còn cắm nguyên chìa khoá trong ổ bèn khoá lại, rút chìa, chạy đến xe ô tô đưa cho người trung niên. Khi xe ô tô sắp chạy, thấy không yên tâm, tôi bèn bảo anh ta đưa chìa khoá để tôi đi gửi xe hộ. Cuống cả lên, xe chạy mà chưa kịp cho người ta số di động của mình hay hỏi số di động của họ. Mà liệu tôi có đủ sức dựng cái xe máy kia lên không? Nếu nó không nổ thì liệu tôi có đủ sức dắt đi gửi không? May sao người đàn ông giúp khênh bà cụ quay trở lại chỗ tôi đứng. Không nghi ngại gì, tôi đưa luôn chìa khoá xe máy của người lạ thứ nhất cho người lạ thứ hai, nhờ anh ta đi gửi xe hộ.
Tôi bị thật bất ngờ. Trước khi dắt xe máy của người gặp nạn đi gửi hộ, người đàn ông đưa cho tôi chìa khoá chiếc xe máy của anh, nói là để làm tin. Khi gửi xong, quay về, anh chìa cho tôi xem chiếc vé số 29 của công ty bảo vệ Thăng Long VBank Ba Đình. Anh còn lấy chứng minh nhân dân của mình bảo tôi ghi lại số. Anh nói “Chị cứ yên tâm đi, tôi sẽ đến bênh viện đưa vé gửi xe cho người ta và sẽ quay lại bãi xe làm chứng để người ta được lấy xe ra.” Tất nhiên bằng linh cảm của mình tôi tin tưởng anh hoàn toàn nên cũng không cần xem chứng minh thư, chỉ xin họ tên và số điện thoại để liên hệ.
“Bà cụ cũng như mẹ tôi. Giúp được cái gì thì tôi làm. Nhưng nhiều khi làm phúc phải tội” - anh nói. Tôi động viên anh: “Nên làm anh ạ. Không phải tội gì đâu. Làm phúc để lộc cho con”. Sau này tôi được biết anh vừa xong ca trực đêm ở trường cấp 3 Cầu Giấy đang trên đường về, thế mà chỉ ghé qua nhà tắm rửa, thay quần áo xong là anh tìm ngay đến bệnh viện giúp chủ nhân đi nhận lại chiếc xe. May sao còn có mấy người như anh ấy và những người đi chiếc xe bảy chỗ ngồi mà tôi còn chưa biết họ tên. Họ thật có tấm lòng bồ tát.
Câu chuyện thứ hai:
MAY MÀ KHÔNG AI ĐỨNG KHOANH
Ở khu tập thể cũ của tôi có hơn chục hộ quây quanh một cái sân. Những năm đầu thập niên chín mươi, bọn trẻ con trong khu lít nhít đông ra phết. Lúc nào cũng thấy trẻ con vì ngày ấy học sinh chưa học bán trú như bây giờ. Có hai cô bé cấp một, thường hay bị nhốt trong nhà, đến trưa mẹ về cho ăn cơm, chiều thì đi học. Không may hôm ấy nhà bị chập điện khét lẹt, khói bốc ra mù mịt. Hai đứa khóc la í ỏi. Mấy người trong khu xúm lại ngoài sân, loay hoay nghĩ cách phá cửa vào cứu hai đứa. Góc sân, một người đàn ông ngoại tứ tuần, cũng là hàng xóm đứng khoanh tay buông thõng một câu: “Cho chết” rồi bỏ đi.
Khoảng hai tháng sau, cơ quan người đàn ông ấy đã có việc làm nên không mấy khi thấy ông ta ở nhà. Vợ ông ta thì đang đi xuất khẩu lao động ở Đức nên hai thằng con trai cấp một được thả tự do. Một trưa hè, nhiều người đang ngủ bỗng nghe rắc rắc rồi uỵch một tiếng. Mọi người chạy ra thì thấy thằng con trai lớn của ông ta nằm ngất lịm trên sân xi măng dưới tán cây gioi. May mà người ta không đứng khoanh tay góc sân. Tất cả xúm vào đưa nó đi Sanh Pôn.
NgT T K8
Cuộc đời này có nhiều người tốt nhưng đôi khi lòng tốt bị lạm dụng nên nhiều người thành chai sạn.
Trả lờiXóaĐúng là mỗi người đều bị chai sạn đi do phải cảnh giác với lợi dụng hoặc lừa đảo.
Trả lờiXóaMới trưa qua, có một chị tầm tầm xưng là cán bộ đi học tại chức, chạy xe theo xin tiền mua xăng kẻo không về đến nhà thì khổ. Cho 5k mà sau đó cứ có cảm giác bị lừa. Có lẽ lần sau nên đòi xem bình xăng?
Chuện ngã lăn đùng ra trước mũi xe ô tô (nhất là xe xịn), máu me tùm lum và đòi "được" giúp đỡ là kịch bản quá quen thuộc ở Sài gòn. Tới mức tụi tây cũng còn thuộc lòng nữa là dân ta.
Trả lờiXóaHMK6